BÀ TÔN NỮ THỊ NINH NÓI VỀ GIÁM ĐỐC SỞ 30 TUÔI
Người trẻ làm lãnh đạo không phải là chuyện lạ và luôn được thế hệ đi trước khuyến khích phát triển. Tuy nhiên những người quá trẻ và lại có những yếu tố “nhạy cảm” cần phải làm gì khi có những chức vụ quan trọng dồn dập đến với mình?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh đã có cuộc chia sẻ với chúng tôi xung quanh câu chuyện về những người lãnh đạo trẻ tuổi.
Bà Ninh từng giữ các chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Đại sứ tại Liên Minh Châu Âu và nay là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM | Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội & Giáo dục Trí Việt
PV: Thưa bà, gần đây có những người rất trẻ được bổ nhiệm vào một số vị trí lãnh đạo quan trọng, bà nghĩ sao về những người lãnh đạo trẻ tuổi nói chung?
Tôi luôn ủng hộ tất cả các thanh niên và thế hệ trẻ. Tôi cũng rất hoan nghênh việc “trẻ hóa” đội ngũ lãnh đạo. Nếu họ xứng đáng để bổ nhiệm vào một vị trí nào đó và có khả năng phát huy được tài năng thì tại sao lại không ủng hộ cho họ?
PV: Tỉnh Quảng Nam vừa bổ nhiệm Giám đốc Sở cho một người 30 tuổi khiến dư luận bàn tán rất nhiều. Và vị tân Giám đốc Sở lại là con của Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam vừa xin về hưu trước thời hạn. Bà thấy điều này có phù hợp với tư tưởng “trẻ hóa” lãnh đạo không?
Về câu chuyện này thì tôi nghĩ đến hai vấn đề. Thứ nhất là sự minh bạch. Vậy việc bổ nhiệm đã thực sự đảm bảo tính minh bạch, khách quan và đúng tiêu chuẩn, đúng quy trình chưa?
Thứ hai là câu chuyện mối quan hệ. Tôi nghĩ rằng, nếu người đó không phải là con Bí thư tỉnh ủy vừa về hưu thì câu chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn. Hoặc nếu người đó là con bí thư của tỉnh khác thì vấn đề cũng sẽ ít phức tạp.
Ở đây, người được bổ nhiệm lại là con của Bí thư của chính tỉnh này nên việc băn khoăn của dư luận không có gì lạ. Nếu Quảng Nam có chủ trương trẻ hóa lãnh đạo thì việc làm này phải có sự đồng bộ và sẽ có một số người trẻ khác trở thành lãnh đạo ở các vị trí quan trọng cấp tỉnh. Những người trẻ có năng lực, có sự năng động và có ý chí phấn đấu được đề bạt ở vị trí nào đó thì sẽ không có gì là đặc biệt.
Nếu đặt vị trí khi bà 30 tuổi, được bổ nhiệm chức Phó giám đốc một Sở và 5 tháng sau được bổ nhiệm thành Giám đốc chính Sở đó, bà sẽ ứng xử thế nào?
Chỉ sau một thời gian ngắn làm trong bộ máy nhà nước, mà trở thành Giám đốc Sở sao thuyết phục được? Tôi thấy gần đây, con của một số vị lãnh đạo có con đường lên chức rất “cấp tốc”. Nếu như anh là một người xuất chúng thì trước khi được bổ nhiệm, có lẽ anh đã được nhân dân, công luận biết tới những tài năng của mình. Còn nếu đến khi được bổ nhiệm, người ta mới biết đến anh thì sẽ bị để ý ngay và chuyện bàn tán là việc đương nhiên.
Nếu khi tôi 30 tuổi, có ai mời tôi làm Giám đốc Sở, tôi sẽ từ chối vì tôi không đi đâu mà vội cả. Một cái ghế như thế, cần có đủ năng lực và sự trải nghiệm mới có thể điều hành được tốt.
Tôi chưa thấy ở nước Việt Nam này có ai thăng 2 cấp trong vòng 6 tháng như thế. Như vậy là quá khó hiểu, là sai quy trình chung. Tôi cũng chưa từng thấy Giám đốc Sở nào được bổ nhiệm ở tuổi 30. Trước đây, khi tôi còn đương nhiệm, ở Bộ Ngoại Giao, lãnh đạo vụ, cục 40 tuổi đã được cho là trẻ rồi.
PV: Câu chuyện của Quảng Nam làm cho nhiều người liên tưởng đến một số vị lãnh đạo cao cấp của Đảng ta trước kia, họ giữ những cương vị rất cao khi tuổi còn rất trẻ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Trần Phú…? Bà có so sánh thế nào giữa câu chuyện lãnh đạo trẻ khi xưa và ngày nay?
Tôi nghĩ, ở mỗi thời kỳ lịch sử , việc bố trí lãnh đạo có một số đặc điểm. Trong những thời kỳ đặc biệt của lịch sử nhất là trong chiến tranh, có những hoàn cảnh đòi hỏi phải ra quyết định kịp thời. Chiến tranh và thời thế đặc biệt đã tạo nên những nhân vật xuất chúng đi vào lịch sử.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay Tổng bí thư Trần Phú được giao trọng trách khi còn rất trẻ nhưng mọi người thời đó đều thấy đó là điều thuyết phục. Trước khi được giao trọng trách, họ đã làm được rất nhiều điều vì dân, vì nước cho thấy họ xứng đáng đứng ở những cương vị chủ chốt để tiếp tục con đường cứu nước.
Đất nước ta bây giờ là thời bình. Tôi vẫn ủng hộ các lãnh đạo trẻ nếu người đó có năng lực đặc biệt và thể hiện được họ thực sự xứng đáng với cương vị được giao phó. Họ phải chứng minh được trong công việc có gì là nổi trội!?
Thông thường, để trở thành một lãnh đạo cấp Sở, có thể cần đến hàng chục năm. Quảng Nam có lý giải họ đã làm đúng quy trình của tỉnh nhưng tôi cho rằng vẫn có điều không bình thường. Quy trình là một chuyện, giả sử trường hợp này đúng quy trình của tỉnh còn tiêu chuẩn thì đã đạt chưa?
Tôi thấy thất vọng vì anh Giám đốc Sở trẻ tuổi mới được bổ nhiệm này! Nếu như anh ấy cứ chịu khó làm Phó giám đốc Sở vài ba năm và phấn đấu thực sự và được đồng nghiệp công nhận sau được bổ nhiệm làm Giám đốc thì thuyết phục hơn. Tôi nghĩ là một thanh niên biết suy nghĩ, có bản lĩnh sẽ không muốn “ăn” trái chín ép, sẽ từ chối vị trí Giám đốc Sở khi mình vừa trở thành cấp phó trước đó vài tháng!
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
P. Hoàng
Nguồn: InfoNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét