Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Việt Nam có lạm dụng điều 258 Bộ luật hình sự trong xử lý người vi phạm?

Cầm Kỳ 
Cứ sau mỗi đợt “quậy tưng bừng”, các nhà dân chủ nửa tây nửa ta lại tiếp tục bài ca kể khổ với liên khúc bị chính quyền Việt Nam bắt bớ, đàn áp dã man... Hầu hết đám trí thức cấp tiến tự xưng này đều có chung một mục tiêu, đó là đả kích điều 258 Bộ luật hình sự, nhằm tạo bức tường an toàn để hoạt động phi pháp mà không bị xử lý theo pháp luật, từ đó tiến tới chống phá Nhà nước công khai, lật đổ chế độ. Nhưng lưới trời lồng lộng mà khó thoát, muốn không trở thành tội phạm thì chỉ có cách sống lương thiện!

Mỗi một quốc gia, mỗi một chính quyền đều có một thể chế riêng nhằm duy trì và đảm bảo sự phát triển toàn diện của xã hội về tất cả các lĩnh vực. Và tại Việt Nam, điều 258 Bộ luật hình sự là một điểm quan trọng nằm trên tiến trình này. Với tất cả người dân Việt, điều 258 là điều luật hoàn toàn hợp lý, là tất yếu, như hầu hết các thể chế khác trên thế giới. Tuy nhiên, với những thế lực thù địch ăn “bơ sữa” ngoại bang, ăn “đô la” cờ vàng thì đây là điều luật cực kỳ nguy hiểm, cần phải được “bãi bỏ, sửa đổi” ngay lập tức. Đơn cử như việc một số blogger đưa ra cái gọi là “Tuyên bố 258” vu cáo chính quyền Việt Nam “vi phạm nhân quyền”, “vi phạm tự do ngôn luận” để bắt bớ người vô căn cứ. Một số nhà dân chủ còn kết tội Việt Nam “vi phạm Điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền” khi bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật theo điều 258 BLHS. Vậy liệu chính quyền Việt Nam có lạm dụng điều 258 Bộ luật hình sự khi xử lý kẻ vi phạm?
3 luận điểm sau sẽ giúp người đọc có câu trả lời:
Thứ nhất, các quy định pháp lý quốc tế thừa nhận quyền tự do dân chủ nhưng đều đưa ra một giới hạn nhất định. Vì thế, nếu chiếu theo quy định của các công ước quốc tế liên quan, điều 258 hoàn toàn phù hợp. Cụ thể:
- Tại Điều 29 Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948 quy định: “Mỗi người trong khi hưởng thụ các quyền và tự do cá nhân chỉ phải chịu hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với quyền và tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”.
- Tại Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 cũng quy định: Việc thực hiện quyền tự do báo chí, ngôn luận... phải đi kèm nghĩa vụ, trách nhiệm đặc biệt, trong mọi trường hợp phải chịu một số hạn chế nhất định để “tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe, hoặc đạo đức của xã hội”.
            Như vậy, khi các nhà dân chủ lợi dụng quyền tự do để viết, đưa các thông tin xuyên tạc, sai sự thật, bôi nhọ cá nhân, tổ chức nào đó, hoặc chủ thể là Nhà nước thì đã vi phạm đến giới hạn “tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe, hoặc đạo đức của xã hội”. Điều này có thể gây tổn hại đến danh dự, uy tín, tinh thần hoặc nặng hơn nữa là vật chất của cá nhân, tổ chức, Nhà nước. Một khi đã vi phạm các công ước quốc tế thì việc bị chính quyền xử lý theo luật định là điều không có gì phải bàn cãi.
Thứ hai, Điều 258 BLHS có quy định rõ ràng, dấu hiệu khách quan của tội phạm là “lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Như vậy, Nhà nước vẫn công nhận những quyền tự do dân chủ đã nêu, nhưng nếu ai đó vì mục đích đen tối mà lợi dụng các quyền này để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và Nhà nước thì sẽ bị xử lý như luật định (căn cứ vào việc xác định thiệt hại về vật chất, tinh thần do hành vi lợi dụng gây nên).
Tuy luật đã ban hành rõ nhưng nhiều người tự xưng là dân chủ, là trí thức lại cố tình không hiểu hoặc xuyên tạc vấn đề có tính khoa học pháp lý này sang vấn đề dân chủ, nhân quyền để thực hiện mục đích chống phá cuối cùng của mình. Có thể đơn cử như trường hợp một số nhà “rân chủ” kích động người dân biểu tình “bảo vệ môi trường biển” vào ngày 1/5 và 8/5 vừa qua tại Hà Nội, TP. HCM và một số tỉnh thành khác. Lợi dụng quyền tự do dân chủ, các nhà chống phá có “máu mặt” đã hô hào, xuyên tạc thông tin để tập hợp “đồng bọn”, đồng thời lôi kéo thêm nhiều người dân thiếu hiểu biết xuống đường biểu tình, gây mất ANTT, làm ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của phần lớn người dân, trụ sở cơ quan chính quyền, hoạt động bình thường của các cty, doanh nghiệp và đặc biệt làm ảnh hưởng không nhỏ cuộc sống của nhân dân. Khi được Cảnh sát du lịch, lực lượng cảnh sát đô thị nhắc nhở, xử lý thì nhiều người đã hung hăng chửi bới, thậm chí đe dọa, động tay động chân với những người đang thi hành công vụ, sau đó “vừa ăn cướp vừa la làng”, ra vẻ đáng thương, khóc lóc, vu khống bị chính quyền đàn áp, bắt bớ…  Những hành động này cho thấy họ cố tình gây rối trật tự công cộng, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại địa bàn; làm mất hình ảnh “văn minh” nơi công cộng cũng như khách du lịch. Đó là chưa kể một số người còn mang biểu ngữ, băng rôn có tính phỉ báng cá nhân, tổ chức và Nhà nước; vứt chai lọ, sả rác,....
Thứ ba, điều 258 đã tồn tại rất lâu, được quy định trong BLHS năm 1999, trước đó là BLHS năm 1986. Qua quá trình thực thi, điều 258 đã chứng tỏ được sự cần thiết, góp phần bảo vệ, duy trì trật tự và sự ổn định trong xã hội. Có thể đưa ra ví dụ, nếu không có điều 258, khi một ai đó bị người khác lợi dụng quyền tự do ngôn luận để phỉ báng, xúc phạm gây ảnh hưởng đến đời sống tinh thần thì phải làm sao? Nếu một nhóm người nào đó lợi dụng việc tự do hội họp để biểu tình trái phép, gây rối trật tự công cộng, đập phá đồ đạc của người dân thì sẽ xử lý thế nào? Nếu ai cũng làm việc xấu rồi bao biện với lý do vì tôi có quyền tự do dân chủ, tôi muốn làm gì thì làm thì xã hội, đất nước này sẽ ra sao?
Nói vậy để thấy, điều 258 Bộ luật hình sự là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam. Bất cứ ai lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm hại đến lợi ích của cá nhân, tổ chức, Nhà nước đều sẽ bị xử lý theo đúng luật định, căn cứ vào hành vi phạm tội, động cơ, mục đích, khách thể bị xâm hại, hậu quả gây ra. Từ hành vi phạm tội, các cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định tội danh chứ không hề có chuyện chọn tội trước rồi vận vào hành vi như nhiều nhà dân chủ vẫn la làng lâu nay. Một số nhân vật bị bắt theo điều 258 như blogger Nguyễn Quang Lập, blogger Cô gái Đồ Long, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Đinh Nhật Uy, Nguyễn Hữu Vinh, Kim Quốc Hoa… đều được xác định tội danh theo đúng hướng này.
Việt Nam là một quốc gia hoàn toàn tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân. Là một nhà nước pháp quyền, do dân và vì dân. Nếu bất kỳ công dân nào có một trong các hành vi sai phạm nêu trên đều sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo luật định. Ngày 1/7/2016 tới, điều 167 Bộ luật hình sự 2015 về “Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân” sẽ bắt đầu có hiệu lực và sắp tới Việt Nam sẽ ban hành thêm luật lập hội, nhóm và luật tự do thông tin… Với những điều luật cụ thể này, hi vọng sẽ giúp người dân hiểu hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao tư tưởng để không bị các đối tượng chống phá lôi kéo, dụ dỗ thực hiện những hành vi phạm pháp.

                                                                                                                     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét