Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

NGHĨ VỀ HÀNH TRÌNH DẤN THÂN CỦA CỐ LINH MỤC PHÊ RÔ NGUYỄN CÔNG DANH

An Chiến
Linh mục Phê rô Nguyễn Công Danh (Nguồn: báo Đại đoàn kết). 
Cái tin Linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch UB Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch UB Đoàn kết Công giáo TP HCM đến với tôi một cách khá đặc biệt. Bài báo trên báo Đại Đoàn kết với cái tít "Linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh: Người công giáo kính chúa, yêu nước" của Simon Lại Văn Miễn khiến tôi nghĩ đó chỉ là một bài viết ngợi ca ông đơn thuần là thôi. Và chỉ đến cuối bài khi tác giả bài viết cho biết: "Do tuổi già, sức yếu và lâm bệnh, mặc dù đã được y bác sĩ tận tình cứu chữa, song lúc 21h15 ngày 27/7/2016 Linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh đã về an nghỉ nơi Quê Trời, hưởng thọ 81 tuổi" thì mọi sự mới được vỡ lẽ!

Có lẽ trong hàng Giáo phẩm đạo Công giáo Việt Nam, cố Linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh là một người đặc biệt mà không phải ai cũng làm được và dũng cảm đón nhận những biến chuyển thời cuộc như ông. Sinh năm 1935 tại họ đạo Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An nhưng 28 năm sau đó, mặc dù với tuổi đời còn rất trẻ (năm 1963), Nguyễn Công Danh chính thức được thụ phong linh mục tại Sài Gòn và năm 1971 được Tòa Tổng Giáo phận Sài Gòn (nay là Tòa Tổng Giáo phận TP HCM) giao cho coi sóc giáo xứ Mẫu Tâm, huyện Nhà Bè.
Cuộc đời mục vụ theo ơn gọi của Linh mục Phêrô cũng trải qua các giáo xứ khác như giáo xứ Xóm Chiếu (quận 4), giáo xứ Thị nghè, quận Bình Thạnh (năm 2013)… Nhưng có một điều dễ nhận thấy ở ông là sự đồng hành, dấn thân theo tinh thần Kính chúa, yêu nước góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Và theo tìm hiểu của người viết, để có thể đi trọn cuộc đời yêu thương phục vụ, thắp lên ngọn lửa Đại Đoàn Kết dân tộc, Linh mục Phêrô đã vượt qua những rào cản mà không phải Linh mục nào cùng thế hệ ông cũng có thể làm được.
Theo đó, trước thời điểm Sài Gòn hoàn toàn được giải phóng (30 - 4 - 1975), Linh mục Danh cùng Linh mục đoàn Tổng Giáo phận Sài Gòn đang hành hương thăm đất Thánh Palestin, Tòa Thánh Vatican và nước Pháp. Thông tin Sài Gòn có thể thất thủ khiến nhiều người khuyên Linh mục Danh nên ở lại Roma với những lí do như "Cộng sản sẽ cấm đạo, sẽ tắm máu những người đã từng theo, phục vụ hoặc liên quan chế độ cũ". Tuy nhiên, ngược lại với suy nghĩ của những người đứng ra khuyên răn, linh mục Phêrô Danh quyết định về Việt Nam chỉ với lí do ông còn có trách nhiệm với giáo xứ ông được giáo hội giao coi sóc (giáo xứ Mẫu Tâm). Ông cũng phủ nhận những chính sách tàn bạo được một số người phao tin sau khi "cộng sản chính thức kiểm soát Sài Gòn nói riêng, miền Nam nói chung và không ngần ngại thể hiện niềm tin với chế độ mới.
Đây cũng là nguyên nhân dù thời điểm đó có quá nhiều rào cản để giữa ông và chính quyền mới đi đến sự đồng thuận chứ chưa nói tới hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau. Song, với những đóng góp hết sức nhiệt thành trên cương vị một chủ chăn của giáo xứ Mẫu Tâm, 2 năm sau đó (năm 1977), Linh mục Phê rô Nguyễn Công Danh chính thức tham gia UBTƯ MTTQ Việt Nam với vai trò đầu tiên là Ủy viên Ủy ban MTTQ huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) và cương vị trước khi ông qua đời là Phó Chủ tịch không chuyên  trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch UB Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Và cũng xin thông tin thêm là việc Linh mục Phê rô Nguyễn Công Danh tham gia Ủy ban MTTQ các cấp cũng có sự đồng thuận của một vị chủ chăn cao nhất Tòa Tổng Giáo phận TP Hồ Chí Minh khi đó là Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Chính lời dạy của Ngài: "Cách mạng tín nhiệm cha thì cố gắng nhận đi, và làm tốt vai trò công dân, là cầu nối giữa đạo và đời” đã khiến Linh mục Phê rô dấn thân một cách nhiệt thành và say mê hơn mà không quan tâm tới những dị nghị không hay từ chính trong giáo hội nơi ông đang phục vụ.
Câu chuyện thứ hai mà người viết muốn chia sẻ và đấy là câu chuyện được chính Linh mục Phêrô kể ra trong một lần tiếp chuyện báo giới: Năm 2003, cùng với các chức sắc khác của Tòa Tổng Giáo phận TP Hồ Chí Minh, Linh mục Phêrô đã tháp tùng Tổng Giám mục G.B. Phạm Minh Mẫn sang Tòa thánh Vatican để nhận chức thánh Hồng Y (ở thời điểm đó, Tổng Giám mục G.B. Phạm Minh Mẫn là người duy nhất được nhận vinh dự lớn lao ấy).
Khi vừa tới tòa thánh Vatican, Tổng Giám mục G.B. Phạm Minh Mẫn đã trả lời phỏng vấn một số báo đài nước ngoài (cũng nói luôn đấy là các đài RFA, VOA...). Một trong những câu hỏi được họ đặt ra nhắm đến Linh mục Phêrô xung quanh sự có mặt của ông trong đoàn Tổng Giám mục G.B. Phạm Minh Mẫn. Điều đáng nói là họ không ngần ngại cho rằng, có phải Linh mục Phêrô sang đây để làm 'gián điệp của chế độ cộng sản" hay mục đích gì khác?
Trên thực tế, người viết tin chắc rằng đây không phải là lần đầu tiên trong hành trình dấn thân của mình, Linh mục Phêrô phải đối diện cái điều tương tự vừa được chỉ ra. Cái mũ "Linh mục quốc doanh", "chức sắc quốc doanh" từ lâu và trong thời điểm hiện nay được xem là lực cản chính khiến rất nhiều chức sắc theo đạo Công giáo dù muốn, dù rất nhiệt thành cống hiến nhưng đã không thể đi tới cái điều Linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh đã từng làm!
Rõ ràng, trước câu hỏi của đám phóng viên diều hâu, chống cộng, Linh mục Phêrô đã rơi vào cãi thế khó và dù không phải là quyết định nhưng nếu bị "đấu tố" ngay tại Vatican có thể nó sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới xu hướng dấn thân của ông, kiểu như ông sẽ kín đáo hơn trong quá trình dấn thân cũng như không đảm nhiệm các cương vị cao được giao phó. Tuy nhiên, chính câu trả lời của Tổng Giám mục G.B. Phạm Minh Mẫn khi đó ("Không có linh mục nào là Quốc doanh cả") đã khiến Linh mục Phêrô giữ được cái nhiệt tình vốn thấy cho đến khi bản thân ông chính thức từ dã cõi trần tục để về với nước trời cùng Thiên chúa.

Khi nghe hai câu chuyện, nói đúng hơn là hai bước ngoặt của cố Linh mục Phêrô sẽ có người cho rằng, ông là một người may mắn khi những hành động của ông luôn có bề trên giúp đỡ, ủng hộ. Và họ cũng lấy đó là lí do để dù muốn nhưng không thể làm cái điều Cố Linh mục Phêrô đã từng làm. Song cá nhân người viết lại hoàn toàn nghĩ khác. Đúng là trong từng hành động của mình, cố Linh mục Phêrô luôn có sự đồng hành, ủng hộ của các bề trên, đó cũng là bí quyết để ông có thể đi đến cuối cái đích của cuộc đời mình. Nhưng, đã ai thử hỏi tại sao Cố Linh mục Phêrô làm được mà bản thân mình không làm được? Phải chăng, cái sự nhiệt thành và khát khao dâng hiến của các vị chưa thể cảm hóa, chưa khiến những vị bề trên đáng kính của mình thấy đó là cần thiết, là nên làm để khuyến khích các vị dấn thân! Tin chắc rằng, trả lời và làm được điều đó, các vị cũng sẽ có được cái lợi thế mà cố Linh mục Phêrô từng có trong cuộc đời!
Nguồn: vietnamngayve.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét