Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

SỰ THẬT VỀ CÁI GỌI LÀ GIÁ TRỊ NHÂN QUYỀN THEO KIỂU MỸ

Nhân quyền (hay còn gọi là quyền con người) là những quyền tự nhiên của con người. Trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Suy rộng ra có nghĩa là nhân quyền là những quyền cơ bản nhất của con người, không thể bị xâm phạm. Nhân quyền là giá trị phổ quát chung cho toàn nhân loại, là những quyền bất biến và không mang giá trị của bất cứ quốc gia nào. Các chính thể nhà nước có trách nhiệm bảo vệ, đảm bảo nhân quyền cho mỗi người dân trên cơ sở luật pháp quốc gia.
          Mỹ, với vị trí là siêu cường số 1 trên thế giới, từ lâu đã cùng với các đồng minh của mình giương cao ngọn cờ bảo vệ “nhân quyền” mà thực chất chỉ là “cái gọi là nhân quyền kiểu Mỹ”. Dưới danh nghĩa bảo vệ nhân quyền, Mỹ và phương Tây không ngần ngại can thiệp, tác động vào bất cứ quốc gia nào mà họ cho rằng chưa đảm bảo nhân quyền để hướng lái, chuyển hóa thể chế hoặc cấm vận, chống phá, tiến hành chiến tranh xâm lược nhằm phục vụ ý đồ chính trị của mình. Vậy, sự thật đằng sau “cái gọi là nhân quyền kiểu Mỹ” là gì?
          Thứ nhất, “cái gọi là nhân quyền kiểu Mỹ” mà Mỹ và phương Tây rao giảng, cổ súy chỉ là một thứ tự do vô chính phủ.
          Thứ nhân quyền mà Mỹ và phương Tây rao giảng chính là một thứ tự do mà ở đó, con người có quyền làm tất cả mọi thứ mình thích, đáp ứng tất cả mọi nhu cầu của bản thân. Dựa vào thứ nhân quyền đó, Mỹ cổ súy cho tư tưởng ích kỷ, cá nhân, chỉ quan tâm đến lợi ích của một bộ phận trong xã hội mà bất chấp lợi ích chung của toàn xã hội, chủ nghĩa biểu tình bạo động, cách mạng màu lật đổ chính phủ cầm quyền. Trong khi đó, thực chất nhân quyền phải là sự dung hòa giữa quyền lợi thiết yếu của con người, đạo đức xã hội và pháp luật quốc gia. Bên cạnh việc đáp ứng quyền lợi, nhu cầu của bản thân, con người còn phải quan tâm, xây dựng, góp phần đảm bảo quyền lợi, sự ổn định của quốc gia và toàn xã hội. Không thể có một thứ nhân quyền đứng ngoài vòng pháp luật. Vì vậy, thứ tự do nhân quyền kiểu Mỹ thực chất là thứ tự do vô chính phủ, thứ tự do thời mông muội, khi con người còn dã man và chưa hình thành xã hội.
          Thứ hai, Mỹ và phương Tây thực chất chính là những kẻ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất.
          Đằng sau những luận điệu hoa mỹ quảng cáo cho “cái gọi là nhân quyền kiểu Mỹ”, những hành động của Mỹ và phương Tây thực chất lại là những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
          Trước hết, về bản chất, chế độ tư bản mà Mỹ và phương Tây đang duy trì là chế độ bóc lột giá trị thặng dư của giai cấp vô sản. Các nhà tư bản bằng nhiêu thủ đoạn, dù lộ liễu hay tinh vi, đang bòn rút sức lao động của người công nhân nhằm làm giàu cho bản thân. Cho dù hiện nay, để xoa dịu sự đấu tranh của giai cấp công nhân, chủ nghĩa tư bản hiện đại có đáp ứng một số điều kiện nhằm cải thiện đời sống cho công nhân, nhưng bản chất bóc lột giá trị thặng dư trong lao động vẫn không hề thay đổi. Đây chính là sự vi phạm nhân quyền trắng trợn mà Mỹ và phương Tây vẫn duy trì.
          Một nội hàm quan trọng của nhân quyền chính là quyền được sống. Đây là quyền cao nhất của mỗi con người. Thế mà Mỹ và phương Tây, để đạt được những âm mưu chính trị của mình, không ngần ngại can thiệp vũ trang trắng trợn vào các quốc gia khác, tước đoạt quyền sống của bao người dân vô tội. Chưa kể đến hai cuộc chiến tranh thế giới do chủ nghĩa tư bản gây ra cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người trên thế giới, các cuộc chiến tranh cục bộ trong thời kỳ chiến tranh lạnh và hậu chiến tranh lạnh như cuộc chiến tranh tại Việt Nam, Triều Tiên, chiến tranh vùng Vịnh hay các cuộc chiến tại Afganistan, Iraq, Libya…, con số dân thường vô tội thiệt mạng cũng lên tới hàng triệu. Vậy, “cái gọi là nhân quyền kiểu Mỹ” bản chất lại xem thường quyền quý giá nhất của con người, quyền được sống.
Bên cạnh đó, sự phân biệt chủng tộc, phân biệt giàu nghèo, phân biệt giai cấp, chế độ nhà tù khắc nghiệt như những hoạt động tra tấn, bức cung đối với phạm nhân của nhà tù nổi tiếng vịnh Guantanamo… đã thể hiện rõ bản chất “Cái gọi là nhân quyền kiểu Mỹ” thực sự không phải là một quy chuẩn về nhân quyền cho thế giới học tập.
          Thứ ba, vừa ăn cướp vừa la làng
          Chính bản thân là một kẻ vi phạm nhân quyền đầu sỏ, thật nực cười khi Mỹ và phương Tây ngoài miệng lại luôn tuyên truyền cho “cái gọi là nhân quyền kiểu Mỹ” và quy kết các quốc gia khác vi phạm nhân quyền. Điển hình chính là việc hàng năm, chính phủ Mỹ tự cho mình cái quyền đưa ra danh sách các quốc gia vi phạm nhân quyền trên thế giới. Từ đó vận động, gây sức ép với quốc tế cấm vận hoặc áp dụng các biện pháp ngoại giao với các nước này nhằm ép buộc họ phải sửa đổi chính sách pháp luật, thay đổi chế độ theo quy chuẩn của Mỹ. Nhưng xin nói rõ rằng Mỹ không phải là một quốc gia lý tưởng, chuẩn mực để các quốc gia khác noi theo, đặc biệt trên lĩnh vực nhân quyền. Vậy hành vi phán xét về nhân quyền các quốc gia khác của Mỹ chính là hàng vi vừa ăn cắp, vừa la làng.
          Thứ ba, âm mưu của Mỹ và phương Tây đằng sau việc tuyên truyền, cổ súy cho “cái gọi là nhân quyền kiểu Mỹ”
          Với bản chất là một kẻ vi phạm nhân quyền,       việc lợi dụng nhân quyền của Mỹ nhằm phục vụ những âm mưu chính trị thâm hiểm như sau:
          Một là, lợi dụng vấn đề nhân quyền phục vụ âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia. Bằng việc đưa các quốc gia khác vào danh sách các nước vi phạm nhân quyền, chính phủ Mỹ tự cho mình cái quyền lợi dụng sức ép quốc tế để ép buộc nước khác sửa đổi, cải cách pháp luật, thay đổi thể chế theo quy chuẩn Mỹ, theo quỹ đạo của Mỹ, phục vụ lợi ích chính trị cho Mỹ.
          Hai là, lợi dụng vấn đề nhân quyền để kích động thành lập các tổ chức chính trị đối lập, tiền đề để tiến hành cách mạng màu tại các quốc gia khác. Đối với các quốc gia có thể chế chính trị khác với Mỹ và phương Tây, Mỹ lợi dụng vấn đề nhân quyền để tuyên truyền lừa bịp trong các tầng lớp nhân dân, nhằm phá hoại tư tưởng một bộ phận quần chúng thiếu hiểu biết, nhận thức chính trị non kém. Từ đó, từng bước hình thành nên các tổ chức chính trị đối lập trong các quốc gia khác, một tiền đề quan trọng để khi các điều kiện thích hợp sẽ tiến hành cách mạng màu, lật đổ chính phủ cầm quyền, xây dựng nên một chính phủ thân Mỹ và phương Tây, một “thuộc địa kiểu mới” của Mỹ. Điển hình chính là phong trào Mùa xuân Ả Rập đã dẫn đến hàng loạt cuộc cách mạng màu lật đổ chính quyền ở nhiều nước Bắc Phi, Trung Đông.
          Ba là, lợi dụng vấn đề nhân quyền để phát động chiến tranh xâm lược. Đối với các quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng, có các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng và thể chế chính trị không theo quỹ đạo của Mỹ, không theo sự chỉ đạo của Mỹ, Mỹ và phương Tây sẽ lợi dụng vấn đề nhân quyền để tiến hành can thiệp vũ trang, xâm lược các quốc gia này. Điển hình là trường hợp Iraq, Libya…
          Vậy, với bản chất vi phạm nhân quyền nghiêm trọng bên trong và sự lợi dụng vấn đề nhân quyền phục vụ các lợi ích chính trị của mình, Mỹ đã thể hiện rõ mình chính là một tên côn đồ chính trị. Sự thật về “cái gọi là nhân quyền kiểu Mỹ” đã bị lột trần thì những lời rao giảng của Mỹ liệu còn giá trị hay không? Một câu danh ngôn viết “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, thật đúng trong trường hợp này.

1 nhận xét: